Ngũ nhạc là gì? Ý nghĩa của Ngũ nhạc trong xem tướng mặt

0

Ngũ nhạc trong xem tướng mặt là cách luận giải tướng mặt dựa trên các bộ phận Trán, 2 gò má – lưỡng quyền, cằm và mũi, tương ứng với 5 dãy núi lớn, được gọi là Thánh Sơn.

Trong nhân tướng học, gương mặt được xem như mặt đất. Bởi vậy, những bộ phận nhô lên được coi như những ngọn núi, cho nên xem Ngũ nhạc sẽ tập trung nhiều vào hình dáng, vị thế, độ liên kết giữa các nhạc (ngọn núi đẹp), đặc biệt là sự tương hợp, hỗ trợ giữa các nhạc với nhau.

1. Ngũ nhạc là gì, núi Ngũ nhạc danh sơn ở đâu?

Ngũ nhạc là 5 dãy hoặc cũng gọi là 5 ngọn núi lớn theo diễn giải của lịch sử cổ điển Trung Quốc, bao gồm: Thái sơn, Hoa sơn, Tung Sơn, Hoành Sơn (Hành Sơn), Hằng Sơn.

Bắc nhạc, đại diện cho phương Bắc – Hằng Sơn, trong tiếng Trung ý nghĩa là vĩnh hằng

Nam nhạc, đại diện cho phương Nam – Hành Sơn, cũng có tài liệu gọi là Hoành Sơn, trong tiếng Trung ý nghĩa cân bằng

Đông nhạc, đại diện cho phương Đông – Thái sơn, trong tiếng Trung ý nghĩa là tĩnh lặng

Tây nhạc, đại diện cho phương Tây – Hoa Sơn (cũng có tài liệu gọi là Thái Hoa Sơn, Tọa sơn…) trong tiếng Trung ý nghĩa lộng lẫy

Trung nhạc, đại diện cho vùng trung tâm – Tung Sơn, trong tiếng Trung ý nghĩa là cao ngất.

Ngũ nhạc cũng còn được gọi là ngũ đại thánh sơn, mang ý nghĩa thiêng liêng tại Trung Quốc, đồng thời chúng cũng là biểu tượng cho ngũ hành trong khoa học phương Đông. Tại Việt Nam ta cũng có dãy núi Ngũ Hành Sơn mang ý nghĩa gần như tương tự rất nổi tiếng tại Đà Nẵng.

2. Vị trí của ngũ nhạc trên khuôn mặt

Theo phương pháp xem tướng Ngũ Nhạc, vị trí các nhạc được phân như sau:

  • Trán đại diện cho phía Nam, gọi là Nam Nhạc – Hoành Sơn
  • Cằm đại diện cho phía Bắc, gọi là Bắc Nhạc – Hằng Sơn
  • Gò má phải hay quyền phải đại diện cho phía Tây, gọi là Tây Nhạc – Hoa Sơn
  • Gò má trái hay quyền trái đại diện cho phía Đông, gọi là Đông nhạc – Thái Sơn
  • Mũi đại diện cho vùng trung tâm, gọi là Trung nhạc – Tung Sơn
Vị trí ngũ nhạc trên khuôn mặt
Vị trí ngũ nhạc trên khuôn mặt

3. Cách xem tướng mặt theo ngũ nhạc

Để luận giải tướng mặt theo ngũ nhạc như đã nói ở trên, chúng ta cần để ý đến vị trí, hình dáng, và sự liên kết giữa các nhạc với nhau để phán đoán là xấu hoặc tốt. Ngoài ra, cần phân biệt cơ địa do thiên nhiên ban tặng hay nói cách khác là tướng mặt phụ thuộc vào vị trí địa lý mà bạn được sinh ra.

Tướng mặt có ngũ nhạc tốt đẹp – ngũ nhạc triều quy

Luận giải chung ngũ nhạc đẹp phải có thế triều củng, hoặc còn gọi là triều quy, tức là quần tụ, hỗ trợ theo 1 thế dốc liên hoàn, quy về một điểm. Thông thường nhất là gò trán, 2 gò má, cằm cần quy điểm đầu về mũi. Theo lý giải địa lý phong thủy Á Đông, triều củng giúp long mạch (hiểu đơn giản là tinh hoa nguyên khí của tạo hóa) có thể phát huy được tất cả các thế mạnh.

Một điểm quan trọng nữa khi xem xét ngũ nhạc có tốt đẹp không là xem mũi, vì nó nằm ở trung tâm của gương mặt, tượng trưng cho phần Nhân (người) trong tam tài (thiên – địa – nhân). Mũi hay trung nhạc cũng được coi là long mạch của cả gương mặt, khí thế của nó phải bao trùm tất cả các nhạc còn lại. Bạn nên xem về cách xem tướng mũi cơ bản phân định tốt xấu

Nói dễ hiểu tướng mặt có ngũ nhạc tốt là tướng mặt mà cả 4 nhạc (2 gò má, trán, cằm) đều phát triển, không khuyết hãm, đầy đặn, cùng hướng về mũi, có sự liên kết với nhau, tạo ra cảm giác hài hòa, khiến mũi trở nên xuất chúng hơn. Ngược lại nếu tạo cảm giác như mũi quá lớn, gò má cao vượt mũi, hay trán nhô ra, cằm lại tụt vào trong là các tướng xấu, tối kỵ được trình bày ngay bên dưới.Ngũ nhạc tốt cũng đôi khi chỉ rằng mặc dù cả 5 nhạc không quá xuất sắc (không xấu), nhưng đạt đến điểm tương hợp, hỗ trợ, ủng hộ tối đa tạo thành thế liên hoàn vẫn được gọi là tướng mặt đẹp.

Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Vingroup là người có ngũ nhạc rất mạnh
Phạm Nhật Vượng – chủ tịch Vingroup là người có ngũ nhạc rất mạnh

Các tướng mặt có ngũ nhạc tối kỵ

Đối lập với tướng mặt tốt là những tướng mặt xấu, trong đó có những tướng mặt được gọi là tối kỵ, tức là rất xấu, thể hiện vận mệnh con người không được tốt.

Quần sơn vô chủ hay Trung nhạc – Mũi không được hỗ trợ bởi 4 núi còn lại, bị khuyết, yếu, gãy, quá thấp (nói theo dân gian ta là quá tẹt), quá nhỏ so với các nhạc khác. Theo luận giải Trung nhạc đại diện long mạch, đại diện cho con người trong tam tài, người có tướng quần sơn vô chủ thường sẽ không có chính kiến, sống dựa dẫm, theo voi ăn bã mía, thích kết bè kết phái.

Cô phong vô viện: là thế mà trung nhạc – hay ngọn núi trung tâm quá nổi trội không được hỗ trợ bởi các nhạc khác. Đây là thế ngũ nhạc đối lập với quần sơn vô chủ. Người có mũi quá lớn, các nhạc còn lại quá yếu, nhìn cả gương mặt như kiểu chỉ có mũi hoặc mũi không có thế, không được hỗ trợ bởi các bộ phận còn lại thì bản thân người đó sẽ thường tự cao tự đại, sống cô độc, luôn cho mình là đúng, là trung tâm của vũ trụ, không tuân thủ bất cứ nguyên tắc nào. Họ có thể vẫn đạt được thành công nhưng chủ yếu là dùng chính bản thân họ, hay gặp nhiều chông gai.

Hữu viện bất tiếp: là thế mà tưởng chừng như mũi được hỗ trợ bởi các bộ phận khác nhưng nhìn kỹ thì thấy không có. Hiểu 1 cách đơn giản hơn là 1 hoặc nhiều bộ phận khác trừ mũi rơi vào tình trạng bị khuyết, hãm, vị trí sai lệch không tạo ra sự quy tụ, hô ủng về trung tâm.

Ngũ nhạc xấu, khuyết hãm tính theo từng bộ phận

Bên cạnh những tướng ngũ nhạc xấu được tính theo bộ ở trên, còn có những tướng mặt bị xấu theo từng bộ phận hay còn gọi là từng nhạc. Về căn bản hầu hết hãm là những điểm khiếm khuyết khiến cho các nhạc không đầy đều, nhỏ, hẹp hoặc các vết tích xấu xuất hiện.

Nam nhạc – Trán: Nam nhạc bị coi là khuyết hãm khi chân tóc lởm chởm, tóc mọc sát xuống làm cho trán thấp, tóc mọc nhiều 2 bên khiến cho trán không rộng; trán có các đường, dấu vết loạn; xương chán lồi; ấn đường có sát khí; trán có những vết hằn một cách bất thường; trán có vết hõm vào trong.

Bắc nhạc – cằm:  Bắc nhạc bị coi là hãm khi xương quai hàm nhọn, khiến cằm nhọn, hẹp; cằm bị lệch, miệng túm; môi dày mỏng không đều; nam giới không có râu, râu vàng khô; nhân trung nông cạn, mờ, không rõ, hoặc lệch; khóe miệng trễ (trề) xuống sâu bên dưới

Đông và Tây nhạc (2 gò má – lưỡng quyền): bị coi là hãm khi gò má bị hõm, nhỏ, nhọn. trơ xương, có nhiều sẹo hoặc nốt ruồi tàn nhang quá nhiều, rõ rệt; gò má thấp hoặc quá nhỏ hẹp không tạo ra khí thế (thường do không có xương thông sang tai, hoặc do xương lõm vào trong, xương nhỏ); lưỡng quyền cao thấp không đều…

Trung nhạc – mũi: bị coi là hãm không đắc cách khi sống mũi, gốc mũi bị gãy, có vết hằn; mũi mỏng; mũi có nốt ruồi; mũi có sẹo do thương tích; mũi bị lệch có thể tự nhiên sinh ra  cũng có thể bị tai nạn thương tích; 2 cánh mũi không rõ ràng, nổi cao; lỗ mũi hở to, hướng lên trên; da thịt trên mũi lồi lõm thấy rõ.

Trung nhạc cũng bị coi là hãm tương đối khi mũi rất tốt nhưng 4 bộ phận khác quá yếu, rơi vào thế cô phong vô viện như đã trình bày ở trên, sẽ dễ nghèo khổ, thành bại thất thường.

Thế nào là ngũ nhạc đắc cách?

Ngũ nhạc đắc cách ý chỉ rằng ngũ nhạc nở nang đầy đặn, triều phùng, không bị khuyết hãm như đã nói ở phần ngũ nhạc xấu hoặc hãm theo từng bộ phận ở trên, tạo ra tướng mạo cân xứng, dễ nhìn.

Ngoài ngũ nhạc, người ta cũng có những cách luận giải tướng mặt khác mà bạn có thể tham khảo:

4. Xem xét tướng ngũ nhạc dựa trên sự khác biệt về địa lý

Theo nhân tướng học Trung Quốc thì người phương Nam (đại diện cho những người gần với đường xích đạo hơn, sinh ra ở những nơi có khí hậu nóng là chính) sẽ vượng hỏa, cho nên Hỏa tinh hay theo ngũ nhạc là Nam nhạc (trán) sẽ là bộ phận quan trọng. Trán mà đầy đặn, rộng cao, vẫn có thể bù đắp được sự thiếu hụt của Trung nhạc – mũi, con người vẫn có thể đạt được thịnh vượng, thành công. (Theo thuyết ngũ hành thì Hỏa sinh Thổ mà mũi được định vào ngũ hành thổ).

Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng, nam nhạc tốt chỉ bù đắp phần nào những hạn chế về cuộc sống do trung nhạc xấu gây ra, mà không thể xóa bỏ hoàn toàn những cản trở do những điểm xấu tại trung nhạc hoặc các nhạc khác gây ra.

Đối với người phương Bắc (đại diện cho những người xa đường xích đạo, khí hậu lạnh làm chủ) thì bộ vị quan trọng để đánh giá là Địa các với cằm là chính. Chính vì vậy nếu mũi – trung nhạc hành thổ (thổ tinh) mà khuyết hãm, xấu thì cằm có tốt cũng thất thường về vận mệnh. Nói cách khác, mặc dù người phương Bắc đánh giá chính là cằm, nhưng trung nhạc và các nhạc khác cũng cần phải đẹp đều mới đạt được hanh thông cuộc đời.

Kết luận:

  • Để có được ngũ nhạc đẹp cần có sự cân xứng phối hợp của các bộ phận trên gương mặt, tạo thế liên hợp, cân bằng. Nam nhạc cần sáng sủa cao rộng, Bắc nhạc cần đầy tròn, Đông Tây nhạc cao nở,  khiến cho Trung nhạc nổi bật, gương mặt đoan chính.
  • Nếu thế mặt không đạt được ngũ nhạc đẹp, thì thay vì lo lắng, tự ti, càng phải cố gắng cải thiện tâm tính, học tập, rèn luyện để tránh những điều không tốt xảy ra trong cuộc đời.

Lưu ý: Tướng bất độc luận. Chúng ta cần phối hợp quan sát cả những bộ phận khác trên gương mặt để có thể đưa ra được những nhận định chân thực, gần sát với thực tế nhất.

Bài viết được biên soạn từ các sách và kinh nghiệm của người viết, vui lòng để nguồn từ nhantuong.info. Theo dõi thêm các hoạt động khác của team tại:

Facebook: facebook.com/pagenhantuong

Pinterest: pinterest.com/xemnhantuong

5/5 - (1 bình chọn)

Share.

Nhân tướng học với tôi là sự tham khảo, trải nghiệm, thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn, giúp đỡ mọi người có cuộc sống khang vượng.